Pages

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Có nên xem đơn thư KN-TC nạp danh

Trong thực tế đã có không ít đơn thư tố cáo nặc danh không rõ họ tên, địa chỉ nhưng đúng sự thật, đã  giúp cho các cơ quan điều tra phát hiện những vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn, nếu chúng ta không có quy định về vấn đề này thì sẽ làm giảm hiệu quả trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay.
Trong dự thảo Luật Tố cáo lần này đã có nhiếu ý kiến khác nhau xung quanh việc có nên xem xét những đơn thư tố cáo nặc danh không rõ họ tên, địa chỉ hay không? Tựu trung lại có hai quan điểm.

Quan điểm thứ nhất cho rằng không nên vì khi tiến hành xem xét xác minh những trường hợp này gặp nhiều khó khăn, phức tạp mất nhiều thời gian công sức của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, còn có những trường hợp lợi dụng việc tố cáo để vu khống người khác, đặc biệt là thường diễn ra trong các thời kỳ chuẩn bị đại hội Đảng hay chuẩn bị bầu bán, bổ nhiệm chức danh ở một cơ quan, đơn vị nào đó. Do đó, việc xác định trách nhiệm và xử lý đối với những trường hợp vu khống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy cần quy định đơn tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo. Quy định như thế sẽ đề cao vai trò của người tố cáo, hạn chế được tình trạng lợi dụng quyền tố cáo để gây rối.

Quan điểm thứ hai cho rằng Luật Tố cáo cần quy định đối với những đơn thư tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, cụ thể có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan có thẩm quyền phải xem xét giải quyết, vì đây chính là một nguồn thông tin rất quan trọng để khám phá những vụ việc tiêu cực nhưng vì một lý do nào đó người tố cáo không dám lộ diện vì sợ bị trù dập, trả thù.

Cả hai quan điểm trên đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Vấn đề là chúng ta nên xem xét từ thực tiễn để có cách nhìn thấu đáo, toàn diện, từ đó đưa ra những quy định hợp lý để áp dụng có hiệu quả. Thiết nghĩ quan điểm phải tiếp nhận, xem xét những đơn thư tố cáo nặc danh nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, cụ thể có cơ sở để thẩm tra, xác minh là phù hợp hơn.

Theo quy định của Luật Khiếu nại tố cáo hiện hành và tại điểm c khoản 1 Điều 38 Nghị định 136/2006/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại tố cáo quy định không xem xét, giải quyết những tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký... Quy định như vậy theo tôi là quá cứng nhắc, không phù hợp với thực tế. Thực tiễn cho thấy chúng ta đã bỏ qua một số lượng lớn đơn thư tố cáo nặc danh không được xem xét giải quyết vì không theo đúng hình thức quy định của pháp luật mặc dù chúng ta vẫn biết những thông tin tố cáo đó là có cơ sở và thực tế đã có không ít đơn thư tố cáo nặc danh nhưng đúng sự thật, giúp cho các cơ quan điều tra phát hiện những vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn, nếu chúng ta không có quy định về vấn đề này thì sẽ làm giảm hiệu quả trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay. Thực tế không phải ai cũng đủ can đảm đứng ra tố cáo tiêu cực vì sợ bị trả thù, trù dập.

Mặc dù chúng ta đã có các quy định để bảo vệ người tố cáo, nhưng thực tế thi hành là một vấn đề hoàn toàn khác. Có người khi đứng ra tố cáo chống tiêu cực đã bị trả thù, trù dập, đến khi được pháp luật bảo vệ thì đã muộn. Vì vậy trước khi được pháp luật bảo vệ thì họ tự tìm cách bảo vệ mình trước.  Những tấm gương điển hình được tuyên dương trong hội nghị tuyên dương những người có thành tích trong đấu tranh chống tham nhũng vừa qua là một ví dụ, họ đều bị trù dập, trả thù với muôn vàn cách thức khác nhau.  Nếu như chúng ta không có quy định việc xem xét những đơn thư nặc danh này thì có mấy ai dũng cảm đứng ra để đấu tranh chống tiêu cực để rồi phải nhận lấy hậu quả cho mình?

Vì thế, theo quan điểm của tôi, Luật Tố cáo nên quy định một cách linh hoạt, để phù hợp hơn với thực tiễn. Cụ thể là vẫn quy định người tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, chữ ký của mình trong đơn tố cáo như quy định hiện hành để phát huy vai trò tích cực, đề cao trách nhiệm của người tố cáo và hạn chế tình trạng lợi dụng quyền tố cáo để gây rối. Tuy nhiên, cũng cần phải quy định thêm “hướng mở” đối với những đơn thư tố cáo nặc danh, không rõ họ tên, địa chỉ nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, có bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan có thẩm quyền phải xem xét. Có như vậy mới phát huy tốt tính tích cực của người dân trong công tác phòng chống tham nhũng./.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét