Pages

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Giải pháp cho tinh giản biên chế hiện nay

Có thể nói nguồn nhân lực trong bộ máy Nhà nước của chúng ta hiện nay đang gặp hai sự khủng hoảng. Điều này không chỉ làm cho tiến độ cải cách hành chính trì trệ, hiệu lực hiệu quả quản lý thấp kém; mà còn là lý do giải thích vì sao lương của cán bộ, công chức chưa thể có sự thay đổi căn bản.
Đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong bộ máy nhà nước là một trong những yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước. Ở nước ta, đội ngũ cán bộ, công chức có được những phẩm chất đáng quý là trung thành, cần cù, sẵn sàng chấp nhận khó khăn, thiếu thốn, nhẫn nại, cầu tiến bộ và dễ thích nghi với sự thay đổi, tuy nhiên, do phần lớn xuất thân từ nông thôn, do đó, kiến thức về lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức hành chính, pháp luật… của đội ngũ này còn nhiều hạn chế. Họ cũng mang vào trong Nhà nước, trong hoạt động công vụ những tâm lý, thói quen của một xã hội tiểu nông với những biểu hiện như: manh mún, tuỳ tiện, vun vén cá nhân, gia đình chủ nghĩa... Một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức địa phương, nhất là ở các cấp lãnh đạo thường có thói gia trưởng, cửa quyền, độc đoán, thiên vị, giáo điều. Vì vậy muốn xây dựng CNXH, những tâm lý, thói quen đó phải được trà đi sát lại nhiều lần.
Chính phủ đã ban hành một số văn bản về tinh giản biên chế trong các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; nhưng xem ra việc thực hiện tinh giản thật không dễ dàng, đơn giản, trừ những trường hợp tự nguyện xin về vì lý do nào đó. Theo hành trình của cải cách hành chính đã có nhiều cơ quan, tổ chức Trung ương, địa phương sáp nhập hoặc giải thể làm cho cán bộ, công chức rơi vào tình trạng dồn toa trong một cơ quan, đơn vị còn lại. Trước tình trạng đó, bảo ai ở diện dôi dư, năng lực hạn chế, sức khoẻ yếu kém để giải quyết cho họ nhận sổ hưu trước tuổi cộng với một khoản tiền rồi nghỉ việc thì quả là khó lắm thay. Khó là ở chỗ tiêu chí nào để bảo họ dôi dư, năng lực hạn chế, sức khoẻ yếu kém khi họ năm nào cũng được tập thể bình bầu danh hiệu lao động tiên tiến bằng phiếu kín (một biểu hiện của bệnh thành tích) và nhất là khi họ lại có những mối quan hệ xã hội ràng buộc lẫn nhau.

Thực trạng nhân lực đông đảo trong bộ máy nhà nước, một phần là do lịch sử tạo ra và để lại; nhưng phần khác còn là do có rất nhiều chuyên ngành đào tạo cao đẳng và đại học sau tốt nghiệp nếu không vào Nhà nước thì không biết làm việc ở đâu để đúng với chuyên ngành đã học. Đó là chưa kể hàng năm có đến hàng vài nghìn sinh viên cao đẳng, đại học tốt nghiệp ra trường phần lớn đều muốn tìm cách xin vào làm việc trong cơ quan nhà nước nào đó ở Trung ương, Hà Nội hoặc ở các thành phố lớn. Thực trạng đó đã trở thành một sức ép buộc Nhà nước phải hé mở cánh cửa cơ quan, công sở để tiếp nhận một phần nào đó những sinh viên ra trường theo các con đường khác nhau. Đúng là chờ cho một người về hưu thì lại tiếp nhận thêm vài ba sinh viên mới ra trường. Mục tiêu tinh giản biên chế vì thế lại càng nan giải.
 Đối với các cơ quan, chính quyền các cấp địa phương, việc tinh giản biên chế cũng gặp những khó khăn không kém; vả lại có khi còn tăng lên một cách tự nhiên, có chủ ý. Biểu hiện thường thấy nhất là người nhà của các quan chức, cán bộ, công chức địa phương nếu không đủ điểm vào đại học chính quy thì hầu hết đều được sắp xếp tạm vào công việc nào đó trong bộ máy công quyền rồi sau đó cho đi học một khoá tại chức vài năm để hợp thức hoá thành người nhà nước. Thực tế chung là con cháu những người nông dân học xong cao đẳng, đại học chính quy hẳn hoi muốn về quê hương xin việc thì cũng không còn chỗ; vả lại cũng không lấy đâu ra khoản tiền lớn để xin việc ở cơ quan địa phương từ cấp huyện trở lên. Thế là đành ở lại thành phố, đô thị để tìm kiếm cơ hội với bao thách thức và sự may, rủi.
Có thể nói nguồn nhân lực trong bộ máy Nhà nước của chúng ta hiện nay đang gặp hai sự khủng hoảng. Một là, khủng hoảng thừa về nhân lực, nhất là thừa các cấp phó, các cấp trung gian và những người vô thưởng vô phạt. Hai là, khủng hoảng thiếu về sự liêm chính công tâm và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công vụ; thiếu các nhà quản lý, các chuyên gia giỏi. Hai sự khủng hoảng này không chỉ làm cho tiến độ cải cách hành chính trì trệ, hiệu lực hiệu quả quản lý thấp kém; mà còn là lý do giải thích vì sao lương của cán bộ, công chức chưa thể có sự thay đổi căn bản.
Tinh giản biên chế là một yêu cầu khách quan nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền gọn nhẹ, hiện đại, quản lý nhà nước bằng pháp luật. Mục tiêu đó cũng là xu hướng chung của các Nhà nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Có thể giải quyết những khó khăn về tinh giản biên chế thông qua các giải pháp sau:
Thứ nhất, Nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện, môi trường cho các hình thức dịch vụ tư nhân, dịch vụ nhà nước, dịch vụ liên doanh giữa Nhà nước với khu vực tư để thu hút nguồn nhân lực là sinh viên mới ra trường thông qua những hợp đồng tự nguyện. Chẳng hạn đó là các dịch vụ vệ sinh môi trường; dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng; dịch vụ văn hoá, thể thao, du lịch; dịch vụ huấn luyện kỹ năng giao tiếp, quan hệ cộng đồng; dịch vụ pháp lý (bao gồm tư vấn, thu thập văn bản, soạn thảo văn bản, liên hệ hoàn thiện hồ sơ giấy tờ…); dịch vụ nghiên cứu khoa học (như cung cấp thông tin, tư liệu, số liệu, in ấn, dịch thuật, giới thiệu ấn phẩm..); các dịch vụ nông nghiệp (bao gồm phân bón, thuốc trừ sâu, giống, cây, con, nuôi, trồng, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…); các dịch vụ thông tin, nghe, nhìn; dịch vụ chăm sóc khách hàng và các tổ chức tình nguyện, v.v... Thông qua đó, các sinh viên cũng từng bước được rèn luyện, trưởng thành, tích luỹ kinh nghiệm thực tế, lập nghiệp mà không nhất thiết cứ phải tìm kiếm việc làm trong khu vực nhà nước. Các lĩnh vực dịch vụ không nên chỉ tập trung ở các thành phố, đô thị lớn mà cần khuyến khích mở rộng hoạt động dịch vụ ở các thị xã, thị trấn kể cả các khu vực nông thôn, miền núi nhằm góp phần rút ngắn nhanh chóng khoảng cách giữa thành thị với nông thôn.
Thứ hai, muốn tinh giản biên chế trong bộ máy nhà nước thì trong các cơ quan, chính quyền nhà nước cần phải tiến hành sự phân tích, mô tả từng danh mục công việc; ISO hoá một số loại việc theo tiêu chuẩn quốc tế; thực hiện việc tuyển dụng và đánh giá cán bộ, công chức theo đúng tinh thần Nghị quyết TW 5 khoá X của Đảng đã đề ra; đẩy mạnh khoán chi phí hành chính sự nghiệp. Mặt khác, cần hạn chế rồi đi đến loại bỏ cung cách kiểm điểm mang tính hình thức. Đối với những người ở diện tinh giản, Nhà nước không chỉ thực hiện các chế độ bảo hiểm kịp thời, đầy đủ, công bằng; mà còn cần quan tâm, tạo điều kiện cho họ tiếp tục đóng góp cho xã hội, cộng đồng dân cư.
Thứ ba, Nhà nước cần thay đổi quan niệm giáo dục trong hệ thống phổ thông, đại học và gia đình theo hướng tăng cường giáo dục thẩm mĩ, đạo đức, trách nhiệm xã hội, thái độ trân trọng những tài năng và những giá trị lao động dù đó là lao động cá thể, hay lao động trong bất cứ tổ chức kinh tế xã hội nào và ở đâu. Nếu chỉ nghiêng về giáo dục lòng ham muốn danh vọng, thủ thuật cạnh tranh, tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi cách thì cải thiện trong con người sẽ không được duy trì, nẩy nở; theo đó, thói thực dụng, vị kỷ của con người trong một xã hội thị trường hàng hoá tiêu dùng sẽ chiếm ưu thế và điều đó sẽ làm cho đời sống tinh thần của con người trở nên lạnh lùng, trống rỗng, xã hội bất an. Hướng giáo dục trên cần được tuyên truyền rộng rãi liên tục dưới các hình thức khác.
Các trường đại học và cao đẳng hàng năm nên thông báo cho các thí sinh muốn thi tuyển vào trường mình biết tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có được việc làm là bao nhiêu. Đó sẽ là một thông tin có giá trị định hướng, tư vấn; ngoài ra các trường cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu sự thay đổi và nhu cầu xã hội trong tương lai gần và xa để soạn thảo chương trình, giáo trình cho người học; sau khi họ tốt nghiệp là có thể đáp ứng ngay nhu cầu của xã hội đương đại. Bên cạnh đó, cần khắc phục tình trạng đào tạo theo lối truyền thống, duy ý chí, ăn sổi; đào tạo tràn lan, lấn sân, ôm đồm, trùng chéo, thị trường hoá. Một vấn đề khác trong giáo dục là cần đẩy mạnh thực hành dân chủ trong công tác quản lý giáo dục và trong quan hệ thày trò. Có đẩy mạnh thực hành dân chủ thì các thế hệ học sinh mới bộc lộ được những năng khiếu tự nhiên, mới phát triển được tư duy sáng tạo và thái độ tự tin, yêu quý con người, gắn kết với cộng đồng./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét