Pages

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Kê khai tài sản, thu nhập-Làm thế nào để phát huy quyền kiểm soát của nhân dân


Muốn có được hiệu quả trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thì phải có sự giám sát từ nhiều chủ thể khác nhau, đặc biệt là từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân. Thế nhưng với một số hạn chế của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP, vai trò giám sát quan trọng của công dân đối với tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức chưa được thể hiện rõ nét.
 Trên thực tế, có rất nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện thông qua sự phát giác của công dân. Chính vì thế, chúng ta không thể phủ nhận vai trò giám sát quan trọng của công dân đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước. Nhà nước ta đã trao cho công dân  quyền giám sát đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước được quy định tại Điều 8 Hiến pháp 1992 và Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ra đời với mục đích công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức, cũng là tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền giám sát của mình. 

Vấn đề kê khai tài sản, thu nhập ở nước ta mới chỉ bắt đầu kể từ năm 2007 khi Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ra đời. Theo đó việc lập bản kê khai tài sản, thu nhập phải được thực hiện hàng năm và hoàn thành chậm nhất là ngày 31/12. Nghị định nêu, đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập là cán bộ, công chức nhà nước được liệt kê tại Khoản 1 Điều 44 Luật Phòng, chống tham nhũng và Điều 6 Nghị định 37 của Chính phủ.

Nghị định này ra đời theo nhu cầu cần thiết của công cuộc phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Theo tinh thần của Nghị định, thì việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ công tác quản lý cán bộ, công chức, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng. Thế nhưng liệu có thể công khai, minh bạch tài sản, thu nhập theo đúng nghĩa được không?  Khi mà quyền giám sát của người dân bị hạn chế.
Sự công khai của bản kê khai tài sản, thu nhập nằm trong “nội bộ”

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định 37/2007/NĐ-CP về quản lý, khai thác, sử dụng bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thì “Bản kê khai tài sản, thu nhập được quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ cán bộ và chỉ được khai thác, sử dụng trong một số trường hợp  nhất định, như phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; phục vụ cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền trong việc thẩm tra, xác minh về hành vi tham nhũng.” Cũng trong Nghị định này, theo Điều 14 “nếu người nào làm lộ bí mật nội dung bản kê khai tài sản, thu nhập, cung cấp cho người không có thẩm quyền khai thác sử dụng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Như vậy việc quản lý bản kê tài sản, thu nhập của người kê khai là hết sức chặt chẽ. Chỉ có những cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới biết được bản kê khai này. Còn những chủ thể khác, đặc biệt là người dân khó có thể biết được nội dung của bản kê khai.

Chính điều này đã làm hạn chế quyền được giám sát của công dân đối với cán bộ, công chức nhà nước quy định tại Điều 8 của Hiến pháp 1992. Hơn nữa, vô hình chung nó đã làm làm giảm hiệu quả một biện phòng, chống tham nhũng quan trọng. Bởi vì, chính người dân là người có thể nắm rõ được sự tăng, giảm tài sản của cán bộ, công chức nơi họ đang sinh sống. Trong khi đó, trên thực tế thời gian qua rất nhiều những vụ tham nhũng được phanh phui là nhờ sự phát giác của công dân. Từ đó để thấy được tầm quan trọng của vai trò giám sát từ phía người dân.

Muốn tài sản, thu nhập của người kê khai được công khai, minh bạch theo đúng tinh thần của Nghị định này thì cấn có sự thay đổi về cơ chế giám sát. Phải xây dựng cơ chế giám sát tài sản, thu nhập từ nhiều phía chứ không chỉ từ các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời, phải mở rộng quyền giám sát từ phía người dân, có như vậy mới đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Việc quản lý bản kê khai tài sản như hiện nay sẽ làm giảm đi tính công khai và ý nghĩa minh bạch vốn có của nó (quy định ngay tại tên của Nghị định “minh bạch tài sản, thu nhập”).

Công dân khó thực hiện quyền tố cáo, phản ánh
Điều vô lý là bản kê khai tài sản, thu nhập được quản lý theo những quy định cụ thể mà người dân khó có thể tiếp cận được (như đã phân tích ở trên). Nhưng điều kiện để xác minh tài sản, thu nhập đó thì phải có căn cứ tố cáo, phản ánh của chính người dân. Cụ thể hơn là khi mà bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức không được công khai thì công dân không có cơ hội để tiếp cận thông tin từ bản kê khai đó. Và chính vì lẽ đó, người dân sẽ không có đủ cơ sở để tố cáo, phản ánh, đương nhiên, các cơ quan nhà nước cũng không đảm bảo được điều kiện tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đó (theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định này). Vì vậy quyền được tố cáo, phản ánh về sự thiếu trung thực (nếu có) của bản kê khai tài sản, thu nhập được quy định tại điều này sẽ không thể thực hiện được.

Công khai tài sản là đụng đến bí mật đời tư
Theo quy định tại Điều 8 của Nghị định thì tài sản, thu nhập phải kê khai là nhà ở, quyền sử dụng đất, kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ năm mươi triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật. Nhưng trên thực tế đụng đến tài sản, thu nhập thì chính là đụng đến bí mật đời tư. Hơn nữa, nếu như công khai tài sản thì nó sẽ ảnh hưởng đến an ninh về tài sản của người được kê khai. Người kê khai tài sản cũng thừa hiểu rằng sự ảnh hưởng lớn từ bản kê khai đến chính mình nếu như bản kê khai đó có vấn đề. Nên việc làm bản kê khai để đảm bảo minh bạch là điều cần thiết. Như vậy vấn đề “độ trung thực của bản kê khai tài sản, thu nhập” được đặt ra từ chính bản kê khai. Do tính chất từng loại tài sản nên chúng ta cũng khó có thể kiểm soát chính xác được vấn đề này. Nhưng với bất kỳ lý do gì chăng nữa, thì việc kê khai tài sản là việc quan trọng và vấn đề minh bạch phải đặt nên hàng đầu. Vì vậy, việc giám sát của người dân - những người sinh hoạt, cư trú cùng một địa bàn với cán bộ, công chức phải kê khai tài sản là rất quan trọng.

Yêu cầu của Nghị định này là công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhưng sự minh bạch lại chưa được thể hiện đúng mức trong Nghị định này. Người dân khó tiếp cận được với thông tin bản kê khai dẫn đến hạn chế quyền giám sát cơ bản của họ, nên mất đi ý nghĩa chính xác của “công khai, minh bạch”. Từ đó hạn chế tác dụng của việc kê khai tài sản, thu nhập.

Từ những phân tích trên ta thấy vấn đề công khai, minh bạch tài sản, thu nhập trong Nghị định này phải chăng chỉ là công khai trong chính cơ quan chức năng quản lý ? Trong khi đây là biện pháp quan trọng để phòng chống tham nhũng, mà phòng chống tham nhũng đòi hỏi trách nhiệm chung của toàn xã hội.Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung những quy định hợp lý hơn nữa để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền giám sát một cách có hiệu quả./. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét