Pages

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Làm thế nào để Báo cáo kết luận Thanh tra có chất lượng, hiệu quả

Trên thực tế, thời gian qua, việc soạn thảo và ban hành Kết luận thanh tra còn nhiều vấn đề hạn chế và bất cập, một số Kết luận thanh tra còn chưa cụ thể rõ ràng, thiếu tính thuyết phục đối với đối tượng thanh tra dẫn đến việc thực hiện chưa nghiêm túc, hiệu quả.
Kết luận thanh tra là văn bản phản ánh toàn diện, đầy đủ về kết quả của cuộc thanh tra, là cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện những kiến nghị trong Báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra. Kết luận thanh tra là văn bản tổng hợp cuối cùng của người ra quyết định thanh tra; nó thể hiện cô đọng, đầy đủ kết quả hoạt động nghiệp vụ của Đoàn thanh tra và sự nhận xét, đánh giá của người ra quyết định thanh tra trong quá trình tiến hành cuộc thanh tra. Một kết luận thanh tra đúng pháp luật, có tính khả thi, được đối tượng thanh tra nghiêm túc chấp hành, tổ chức thực hiện kịp thời sẽ góp phần tăng cường kỷ cương pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Trên thực tế, trong thời gian qua, việc soạn thảo và ban hành Kết luận thanh tra còn nhiều vấn đề hạn chế và bất cập, chất lượng Kết luận thanh tra còn chưa cụ thể rõ ràng, thiếu tính thuyết phục đối với đối tượng thanh tra dẫn đến việc thực hiện chưa nghiêm túc. Nguyên nhân chính là do báo cáo kết quả thanh tra đôi lúc kết cấu trình bày không lô gích chặt chẽ, còn quá dài dòng chưa cụ thể, vấn đề kiến nghị chưa rõ ràng, chưa quy được trách nhiệm. Bên cạnh đó, còn do một số Trưởng đoàn thanh tra  thiếu khả năng phân tích, tổng hợp, chưa nghiên cứu, cập nhật kịp thời những văn bản pháp luật nên dự thảo Kết luận thanh tra còn chung chung, cá biệt có trường hợp còn nể nang thiên vị và nhận định đánh giá sai lệch, hoặc chưa làm rõ được bản chất của vấn đề.do đó, kết luận thanh tra thiếu tính khả thi nên rất khó thực hiện.
Để nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra giúp các kiến nghị trong kết luận thanh tra được thực hiện một cách nghiêm túc, đạt hiệu quả cao, cần phải thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, Trưởng đoàn thanh tra phải rèn luyện kỹ năng phân tích, tổng hợp, để có những lập luận chặt chẽ, sắc bén khi soạn thảo dự thảo kết luận thanh tra. Đồng thời, chủ động tham mưu giúp người ra quyết định thanh tra xem xét lại giải trình và các chứng cứ của đối tượng thanh tra trên cơ sở vô tư, khách quan, nghiêm túc với tinh thần cầu thị. Cần tranh thủ ý kiến của đoàn thể quần chúng nơi thanh tra để củng cố thêm chứng cứ và nhận định cho chính xác khách quan, điều này có ý nghĩa rất lớn đối với việc xây dựng và hoàn chỉnh văn bản kết luận.
Hai là, kết luận thanh tra phải bảo đảm các yêu cầu mà cuộc thanh tra đòi hỏi. Nội dung Kết luận thanh tra phải chặt chẽ, rõ ràng, phản ánh đánh giá tình hình một cách khác quan, trung thực. Nội dung trình bày phải ngắn gọn rõ ràng, dùng câu từ chặt chẽ, dễ hiểu và phù hợp với tính chất, lĩnh vực công tác mà cuộc thanh tra hướng tới. Những vấn đề kết luận phải là những vấn đề được kiểm tra, xem xét, có chứng cứ chính xác.
Ba là Dự thảo Kết luận thanh tra phải được công khai cho đối tượng thanh tra giải trình và Người ra quyết định thanh tra phải tiếp thu một cách nghiêm túc những giải trình có căn cứ chính xác để sửa chữa, bổ sung. Trong quá trình soạn thảo Dự thảo Kết luận thanh tra cần tham khảo ý kiến của các ngành chức năng ở các lĩnh vực chuyên môn liên quan để thống nhất hướng xử lý và xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tổ chức thanh tra cấp trên hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.
Bốn là, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, tổ chức, cơ quan phải thực sự quan tâm đến công tác tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra. Coi đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và cần thiết, góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Tích cực tuyên truyền, vận động để các tổ chức, cơ quan hiểu và nhận thức được trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện kết luận thanh tra. Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên rà soát và đề xuất các biện pháp để tổ chức thực hiện nghiêm túc các kiến nghị còn chưa thực hiện được trong kết luận thanh tra thuộc trách nhiệm quản lý của mình.
Năm là, cơ quan Thanh tra các cấp phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác thanh tra, bố trí cán bộ chuyên môn làm công tác theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện các kết luận thanh tra. Định kỳ hàng quý tổng hợp để báo cáo với thủ trưởng cùng cấp nắm được nhằm có biện pháp chỉ đạo đối với công tác này. Chủ động tham mưu giúp Chủ tịch UBND cùng cấp thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra đồng thời phải đề xuất các biện pháp tháo gỡ đối với các kết luận, kiến nghị còn có vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Sáu là,
đối với các Đoàn thanh tra, trong quá trình thực hiện cuộc thanh tra cần xác minh, làm rõ các nội dung thanh tra để kết luận, kiến nghị thanh tra đảm bảo rõ ràng, có tính khả thi đặc biệt phải xác định rõ trong kết luận thời gian phải thực hiện các kiến nghị thanh tra. Sau thời gian đó phải tổ chức kiểm tra kết quả việc thực các kiến nghị thanh tra để có biện pháp cụ thể đối với các đối tượng không chấp hành.

Bảy là, cần bổ sung quy định cụ thể về quyền hạn và nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân có trách nhiệm phải thực hiện các kết luận thanh tra, đồng thời có chế tài cụ thể xử lý các đối tượng cố tình không thực hiện các kết luận thanh tra./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét