Pages

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Một số điểm mới trong Luật TT sửa đổi


Ngày 15/11/2010, với 81,14% phiếu tán thành, Quốc hội khoá XII đã biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi), với 7 chương, 78 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Có rất nhiều điểm mới được quy định trong Luật Thanh tra sửa đổi, song có một điểm mới rất đáng chú ý vì nó làm thay đổi căn bản về bản chất của hoạt động thanh tra, đó là: “Hoạt động thanh tra là nhằm giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các qui định của pháp luật”.

Các điểm mới nằm ở hầu hết các các chương của Luật và dễ nhận ra ngay từ chương đầu tiên. Về mục đích thanh tra, quán triệt lời dạy của Bác Hồ “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, Luật xác định: “Hoạt động thanh tra là nhằm giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật”. Tuy ngắn gọn như vậy nhưng nó không chỉ làm rõ hơn huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn xác định rõ mối quan hệ của thanh tra với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Theo đó, hoạt động thanh tra là nhằm “giúp” các cơ quan thực hiện đúng các qui định của pháp luật.
Về mục đích hoạt động thanh tra, Điều 2, Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định: “Mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Rõ ràng, so với quy định của Luật Thanh tra năm 2004, Luật Thanh tra sửa đổi lần này đã đạt được một bước tiến rất căn bản về nhận thức của hoạt động thanh tra. Luật Thanh tra năm 2004, tại điều 3- đề cập mục đích thanh tra- chỉ quy định: “Hoạt động thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét