Pages

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Những biểu hiện lãng phí thường gặp trong Đầu tư XDCB


Trong các cuộc họp của Quốc hội những năm gần đây, nhiều đại biểu cũng đã nêu ra con số thất thoát trong xây dựng là 20 - 30% trong tổng số vốn đầu tư. Song để xác định được một tỉ lệ chính xác thì là một vấn đề khó khăn vì thiếu cơ sở khoa học và chứng lý cụ thể.
Trong những năm qua, do tính chất phức tạp của công tác quản lý, mặt khác do ảnh hưởng của cơ chế cũ còn nặng nề nên trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, mặc dù công tác quản lý đầu tư xây dựng đã có những chuyển biến rõ rệt, góp phần đáng kể vào tiến trình phát triển của đất nước nhưng vẫn còn bộc lộ những yếu kém như cơ chế quản lý thiếu đồng bộ, trật tự kỷ cương chưa được tôn trọng, thất thoát lãng phí vốn đầu tư chưa được khắc phục.  
Hiện nay, tình trạng lãng phí, thất thoát vốn đầu tư xây dựng đang là một trong những nguyên nhân làm suy yếu các nguồn lực để phát triển đất nước, nó làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng cộng sản Việt Nam đã nêu rõ “Đầu tư ngân sách Nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước còn dàn trải, thất thoát, kém hiệu quả”. Trong các cuộc họp của Quốc hội những năm gần đây, nhiều đại biểu cũng đã nêu ra con số thất thoát trong xây dựng là 20 - 30% trong tổng số vốn đầu tư. Song để xác định được một tỉ lệ chính xác thì là một vấn đề khó khăn vì thiếu cơ sở khoa học và chứng lý cụ thể. Có thể thấy một số biểu hiện thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng như:
- Thất thoát do công trình được xây dựng không phù hợp về địa điểm và thời điểm: khi quyết định đầu tư do không nghiên cứu kỹ các điều kiện về môi trường, thị trường vùng nguyên liệu, các tài liệu địa chất công trình, địa chất thuỷ văn...nên khi công trình được xây dựng xong không sử dụng hết công suất do công trình không được đặt đúng vào vùng có nguyên liệu, hoặc công trình được khai thác sử dụng nhưng sản phẩm không tiêu thụ được do không có thị trường.
- Thất thoát do quy mô công trình không phù hợp với yêu cầu sử dụng: Dạng thất thoát này là tương đối phổ biến đối với các công trình dân dụng, các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các công trình sản xuất. Nhiều nơi đã xây dựng các công trình văn hoá mà không có người đến sinh hoạt, các nhà thi đấu rất lớn nhưng rất ít người đến tập và thậm chí các nơi vui chơi giải trí, sân vận động cũng xảy ra trường hợp tương tự. Còn đối với các công trình sản xuất, tình trạng hoạt động của nhà máy không hết công suất thiết kế rất phổ biến ở tất cả các lĩnh vực như: nhà máy xi măng lò đứng, nhà máy đường, nhà máy nước, nhà máy gạch tuy nen...
- Thất thoát lãng phí do công trình không đảm bảo chất lượng: Do công trình có chất lượng kém nên các mục tiêu được đặt ra ban đầu không thực hiện được, kinh phí bỏ ra xây dựng thì lớn nhưng chi phí vào công trình bị bớt xén hoặc trong quá trình thiết kế, do điều tra số liệu không kỹ, người thiết kế lại thiếu trách nhiệm hoặc trình độ hạn chế đã đưa ra những kết quả không tối ưu và dẫn đến chất lượng công trình không tương xứng với kinh phí bỏ ra, thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự an toàn cho cộng đồng. Dạng thất thoát này xảy ra ở tất cả các công trình xây dựng như dân dụng, hạ tầng kỹ thuật, sản xuất...
- Thất thoát, lãng phí do công trình được xây dựng không phù hợp với nội dung và hình thức: Dạng thất thoát này biểu hiện ở chỗ có những công trình thì quá quan tâm đến nội dung bên trong như công năng sử dụng, chất lượng nội thất, công nghệ hiện đại, thiết bị mới...nhưng hình thức kiến trúc công trình không đẹp, không hài hoà với cảnh quan, hoặc không phản ánh được tính chất của công trình ví dụ như trụ sở cơ quan nhà nước lại giống trường học, nhà bảo tàng thì giống nhà văn hoá thiếu nhi, các công trình văn hoá dân tộc lại được xây mái bằng, cửa kính khung nhôm... Ngược lại cũng có những công trình được xây dựng có hình thức rất đẹp, được sử dụng nhiều loại vật liệu quý nhưng bên trong thì quá đơn điệu, dây chuyền công năng lủng củng, nội thất kém, dẫn đến giá trị sử dụng thấp.
- Thất thoát lãng phí do công trình xây dựng không đảm bảo cảnh quan, môi trường: Hiện nay có rất nhiều công trình được xây dựng lên đã phá vỡ cảnh quan xung quanh. Cũng có những công trình được xây dựng lạc lõng với các công trình kiến trúc xung quanh, nó phá vỡ sự thống nhất của không gian kiến trúc đã được hình thành, làm giảm mỹ quan đô thị. Việc các công trình xây dựng vi phạm các vấn đề về môi trường thường gặp ở các công trình công nghiệp. Do quá đề cao lợi ích kinh tế nên không tính đến tác hại làm ảnh hưởng đến môi trường như các nhà máy tẩy thuốc nhuộm thải nước chưa xử lý ra xung quanh, các nhà máy có thải khí độc lại được xây dựng ở đầu hướng gió và thành phố, các nhà máy thực phẩm không có hệ thống xử lý nước thải... tất cả đã gây nên những hậu quả  khó lường đối với môi trường và sức khoẻ cộng đồng và để khắc phục hậu quả đó thì phải tốn kém rất nhiều kinh phí.
- Thất thoát do công trình được đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ: Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật thì việc xây dựng một tuyến đường giao thông thường không được xây dựng đồng bộ cả mặt đường, vỉa hè, đường ống cấp thoát nước, hệ thống cấp điện, hệ thống thông tin, trồng cây xanh nên đã dẫn đến việc đường vừa xây xong lại bị đào lên để làm đường ống cấp nước hoặc đường dây điện...không những gây lãng phí, thất thoát mà còn làm mất vệ sinh đô thị, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Hiện tượng này đến nay vẫn còn xảy ra rất phổ biến trên các tuyến đường trong đô thị. 
Trong những năm qua, để đáp ứng với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xây dựng chủ nghĩa và đáp ứng với yêu cầu của nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hạn chế thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh, nhất là trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng nhằm mục tiêu khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, sản xuất kinh doanh phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước và huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, hướng tới đảm bảo xây dựng theo quy hoạch được duyệt, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong xây dựng, áp dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo chất lượng và thời hạn xây dựng với chi phí hợp lý, thực hiện bảo hành công trình.
Do đó, để khắc phục tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng hiện nay, ngày 26/1/2003 Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ tư đã biểu quyết thông qua Luật Xây dựng và có hiệu lực từ 1/7/2004. Đây là văn bản pháp lý cao nhất trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, luật hoá các quy phạm trước đó đã đi vào cuộc sống, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ngành xây dựng, tạo khuôn khổ pháp lý cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng phát triển. Lần đầu tiên Luật Xây dựng cho phép thay đổi quy chế về đầu tư xây dựng thành quy định riêng, tách khỏi các quy định chung về đầu tư. Đó là một bước tiến mới trong việc đổi mới cơ chế, chính sách và là nguyên nhân sâu xa để đổi mới một bước trong các quy định về phân cấp quản lý đầu tư và xây dựng công trình mà Quốc hội yêu cầu. Sự điều chỉnh đó là phù hợp với tiến trình đổi mới cơ chế quản lý nói chung nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu đầu tư và quản lý xây dựng đi theo trình tự và cơ chế thị trường, góp phần đưa công tác quản lý đầu tư và xây dựng đi vào nề nếp, tháo gỡ dần những vướng mắc, tồn tại trong xây dựng cơ bản khi chuyển đổi từ cơ chế kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là tạo thuận lợi cho việc thực hiện chính sách mở cửa Nhà nước.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét