Pages

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Phân biệt giữa giám sát và kiểm tra hoạt động Đoàn Thanh tra

Bên cạnh sự thống nhất tương đối về chủ thể, đối tượng, nội dung, mục tiêu thì hoạt động giám sát và kiểm tra có những nét khác nhau về chủ thể, quyền năng và phương pháp tiến hành.
Giám sát là cơ sở để người ra quyết định thanh tra theo dõi, đánh giá hoạt động của Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra trong việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra, chấp hành pháp luật về thanh tra, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức và ý thức chấp hành kỷ luật của thành viên Đoàn thanh tra; nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thanh tra để có biện pháp chấn chỉnh, giải quyết. Trong quá trình giám sát nếu phát hiện thấy những biểu hiện không bình thường trong hoạt động của Đoàn thanh tra thì người ra quyết định thanh tra sẽ tiến hành kiểm tra hoạt động đoàn thanh tra.

Việc giám sát hoạt động Đoàn thanh tra giúp cho người ra quyết định thanh tra nắm được những sai sót thường hay gặp trong quá trình hoạt động của Đoàn thanh tra từ đó sẽ có kế hoạch kiểm tra chính xác, kịp thời.

Cả hoạt động giám sát và kiểm tra đều có chung chủ thể là Người ra quyết định thanh tra và đối tượng là Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra.

Về mặt nội dung, hoạt động giám sát và hoạt động kiểm tra cũng có những nét tương đồng nhau. Nội dung của giám sát là Người ra quyết định thanh tra giám sát hoạt động Đoàn thanh tra thông qua việc theo dõi, xem xét, đánh giá các hoạt động như: Việc thực hiện Kế hoạch tiến hành thanh tra; thực hiện trình tự, thủ tục thanh tra; chấp hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, ý thức chấp hành kỷ luật của thành viên Đoàn thanh tra; báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của thành viên Đoàn thanh tra; báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của Đoàn thanh tra; xử lý ý kiến khác nhau giữa các thành viên Đoàn thanh tra về những vấn đề liên quan đến cuộc thanh tra của Trưởng Đoàn thanh tra; ghi Nhật ký Đoàn thanh tra; các kiến nghị, phản ánh từ cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra hoặc từ các nguồn thông tin khác về hoạt động của Đoàn thanh tra (nếu có). Trong khi đó việc kiểm tra cũng bao hàm tất cả các nội dung giám sát nói trên nhưng chủ thể giám sát chỉ tập trung vào những vấn đề có nghi vấn là đang vi phạm pháp luật.

Trong hoạt động giám sát hoạt động đoàn thanh tra thì chủ thể ngoài Người ra nquyết định thanh tra còn có sự giám sát của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp cán bộ, công chức tham gia Đoàn thanh tra.

Chủ thể trong hoạt động kiểm tra là người ra quyết định thanh tra có quyền năng quyết định hoạt động của Đoàn thanh tra. Do vậy hậu quả pháp lý của việc kiểm tra là căn cứ kết quả kiểm tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời kết quả kiểm tra. Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người ra quyết định thanh tra thay đổi Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý kỷ luật hoặc chuyển sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó chủ thể trong hoạt động giám sát ngoài người ra quyết định kiểm tra thì còn có chủ thể là Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp cán bộ, công chức tham gia Đoàn thanh tra. Do vậy mà hậu quả pháp lý giám sát chỉ là căn cứ kết quả giám sát, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc; kiến nghị có liên quan xem xét, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc; kiến nghị có liên qua đến hoạt động Đoàn thanh tra (nếu có), tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ. Trường hợp có tố cáo hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Người ra quyết định việc kiểm tra hoạt động Đoàn thanh tra.

Về cách thức tiến hành giám sát, kiểm tra cũng rất khác nhau. Giám sát hoạt động Đoàn thanh tra được tiến hành thường xuyên kể từ khi có quyết định thanh tra đến khi có kết luận thanh tra. Còn kiểm tra hoạt động Đoàn thanh tra được thực hiện khi bị tố cáo hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra.

Trong mối liên hệ trên, chúng ta thấy rằng, giữa Giám sát và kiểm tra mặc dù có phương thức khác nhau song có mối quan hệ chặc chẽ với nhau và là một quá trình quản lý hoạt động của Đoàn thanh tra. Xét về mặt chủ thể người ra quyết định thanh tra là chủ thể chính của hoạt động giám sát, kiểm tra. Thực chất đây là một quá trình của hoạt động quản lý của người được trao quyền lực nhà nước đối với đối tượng bị quản lý. Mục tiêu chung là đảm bảo chính sách pháp luật của nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra có phẩm chất đạo đức cách mạng, bảo đảm xây dựng bảo đảm sự trong sạch vững mạnh của bộ máy nhà nước.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét