Pages

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Tiếp nhận và Xử lý Đơn KN-TC

1. Tiếp nhận, xử lý ban đầu đơn thư khiếu nại, tố cáo
1.1 Nguồn đơn gửi đến
Đơn của công dân, tổ chức gửi đến đến ngành,  thông qua các nguồn sau:
- Qua đường bưu điện;
- Gửi trực tiếp tại Phòng tiếp công dân cơ quan;
 - Do các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Đại biểu, Đoàn đại biểu, các cơ quan của Quốc hội;  Đại biểu Hội đồng nhân dân; Uỷ ban mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan Trung ương; cơ quan báo chí... chuyển đến.
1.2 Tiếp nhận đơn
Những trường hợp người khiếu nại, tố cáo đến Phòng tiếp công dân  trình bày thì công chức thường trực tiếp công dân phải thực hiện đúng theo Quy chế tiếp công dân của. Trên cơ sở đó, công chức thường trực tiếp công dân thông báo tới các đơn vị chức năng để cử người tiếp công dân, nếu chưa có đơn, thì yêu cầu, hướng dẫn viết đơn khiếu nại, tố cáo; trường hợp đặc biệt thì phải lập biên bản ghi lại nội dung khiếu nại, tố cáo và yêu cầu người đó ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản; nếu khiếu nại không đúng thẩm quyền thì hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết (trừ tố cáo). Cán bộ tiếp công dân phải thực hiện và yêu cầu công dân thực hiện đúng các quy định trong Quy chế và Nội quy tiếp công dân . Việc tiếp công dân khiếu nại, tố cáo chỉ được tiến hành tại phòng tiếp công dân, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ trưởng cơ quan chỉ đạo tiếp tại phòng họp nhất định.
- Đơn gửi đích danh Bộ trưởng thì Thư ký Bộ trưởng có trách nhiệm nghiên cứu, báo cáo để Bộ trưởng quyết định việc xử lý;
- Đơn gửi Thứ trưởng thì chuyên viên giúp việc có trách nhiệm nghiên cứu, báo cáo để Thứ trưởng xử lý;    
- Thanh tra Bộ tiếp nhận các đơn gửi Bộ, đơn do Lãnh đạo Bộ giao. Sau khi nhận được đơn, Thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu, phân loại, vào sổ theo dõi và xử lý từng trường hợp;
- Các đơn vị thuộc Bộ, Sở tuỳ theo chức năng, chuyên môn của mình, sau khi nhận được đơn của tổ chức, công dân gửi đến, do Thanh tra hoặc các nguồn khác chuyển tới cũng tiến hành nghiên cứu, phân loại vào sổ theo dõi.
1.3 Phân loại đơn, đăng ký vào sổ theo dõi và sổ thụ lý
Căn cứ nội dung đơn, thư gửi đến ngành được phân thành hai loại:
Loại 1:Đơn khiếu nại, tố cáo gồm:
- Đơn khiếu nại;
- Đơn tố cáo;
- Đơn có cả nội dung khiếu nại và tố cáo.
Loại 2:Đơn, thư khác gồm:
- Đơn, thư phản ánh, kiến nghị;
- Thư cảm ơn;
- Đơn đề nghị giải đáp pháp luật...
Trong phạm vi chuyên đề này chỉ đề cập đến quy trình xử lý đơn có nội dung khiếu nại, tố cáo; các đơn, thư khác tuỳ từng trường hợp, Thủ trưởng các cấp quyết định việc xử lý.
- Các đơn vị nhận được đơn đều phải vào sổ theo dõi theo mẫu chung thống nhất, phân rõ các loại khiếu nại, tố cáo và các loại khác. Riêng đối với đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo thì đơn vị nhận đơn xử lý nội dung khiếu nại theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 5, Điều 6 và xử lý nội dung tố cáo theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 136/2006/NĐ- CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo.
- Các trường hợp khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền thì vào sổ thụ lý và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo được biết.
* Các trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết
Theo Điều 32 của Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 (sau đây gọi là Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành) thì: “Khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý để giải quyết:
1. Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
2. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;
3. Người đại diện không hợp pháp;
4. Thời hiệu khiếu nại, thời hạn khiếu nại tiếp đã hết;
5. Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
6. Việc khiếu nại đã được Toà án thụ lý để giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định của Toà án."
* Các trường hợp tố cáo không xem xét giải quyết
- Tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký;
- Tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết, nay tiếp tục tố cáo nhưng không có bằng chứng mới.
- Trường hợp tố cáo hành vi phạm tội thì chuyển đơn đến cơ quan điều tra, viện kiểm sát theo quy định tại Điều 71 Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành.
2. Nghiên cứu đơn
Sau khi đã qua việc xử lý đơn ban đầu, cần tập trung nghiên cứu để có hướng xử lý tiếp những đơn thuộc thẩm quyền. Nội dung nghiên cứu chủ yếu là đi sâu về nội dung trình bày trong đơn và các tài liệu gửi kèm theo. Đây là công việc đòi hỏi phải hết sức cẩn thận và kỹ càng theo trình tự:
- Đọc và tóm tắt nội dung;
- Ghi chép, đánh dấu nội dung quan trọng;
Giai đoạn này phải xác định cho được những yêu cầu sau:
+ Nội dung đơn đề cập, khiếu nại hay tố cáo: nghiên cứu, đọc và tìm ra được bản chất của vấn đề, chọn lọc vấn đề nào là chủ yếu. Phải phân biệt rõ giữa khiếu nại và tố cáo: Nội dung khiếu nại là những quyết định hành chính, hành vi hành chính không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, còn nội dung tố cáo là người bị tố cáo đã thực hiện những hành vi mà bị pháp luật cấm không được làm. Xét về cấp độ sai phạm thì nội dung tố cáo ở cấp độ cao hơn, mức độ vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn so với nội dung khiếu nại. Đây là đặc điểm thuộc về bản chất, cốt lõi để phân biệt giữa khiếu nại và tố cáo
+ Xác định yêu cầu mấu chốt của đơn: nếu trong đơn có nhiều nội dung, nhiều yêu cầu thì phải phân chia rạch ròi từng nội dung thuộc lĩnh vực nào và cơ quan nào giải quyết, đã giải quyết đến cấp nào của từng nội dung…và cuối cùng rút ra vấn đề nào là mấu chốt được nêu trong đơn yêu cầu.
- Khi nghiên cứu, phân loại đơn cần chú ý những vấn đề sau:
  + Trường hợp đơn vừa có nội dung khiếu nại vừa có nội dung tố cáo thì ta áp dụng khoản 3, Điều 6 của Nghị định 136/2006/NĐ-CP: “Đối với đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo thì cơ quan nhận được có trách nhiệm xử lý nội dung khiếu nại theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 5 Điều này, còn nội dung tố cáo thì xử lý theo quy định tại Điều 38 Nghị định này.”.  Theo đó, nếu đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo thì ta phải tách nội dung khiếu nại ra để giải  quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại và nội dung tố cáo phải giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo.
+ Trường hợp tiêu đề của đơn lại không thống nhất với nội dung của đơn:  Nếu tiêu đề của đơn là “Đơn tố cáo” nhưng thực chất nội dung là khiếu nại thì ta giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại và nếu tiêu đề của đơn là “Đơn khiếu nại” nhưng nội dung thực chất là tố cáo thì giải quyết theo trình tự, thủ tục của giải quyết tố cáo. Ví dụ như vì động cơ mục đích của người khiếu nại là đòi được hưởng thừa kế nhưng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bác bỏ, vì thế họ tố cáo “vu vơ” hoặc có trường hợp tố cáo cán bộ để đạt được mục đích chính là khiếu nại việc của mình bị “thua thiệt”, ở trường hợp  này thì chúng ta phải căn cứ vào nội dung để phân biệt là khiếu nại hay tố cáo để áp dụng trình tự, thủ tục giải quyết phù hợp.
3. Xử lý, giải quyết đơn khiếu nại
3.1 Các đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng
Cán bộ xử lý phải xác định thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị trên cơ sở các quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng được quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành; Điều 60 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004. Cụ thể, Bộ trưởng có thẩm quyền giải quyết đối với:
- Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ trưởng, của cán bộ, công chức do Bộ trưởng quản lý trực tiếp. Trường hợp này, Bộ trưởng căn cứ nội dung, tính chất vụ việc khiếu nại để giao Chánh Thanh tra hoặc Thủ trưởng đơn vị khác thuộc Bộ hoặc giao Chánh Thanh tra chủ trì, phối hợp cùng thủ trưởng các đơn vị khác tiến hành xác minh, kết luận và kiến nghị việc giải quyết.
- Các khiếu nại mà Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại.
- Khiếu nại có nội dung thuộc quyền quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại.
- Khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức do Bộ trưởng ban hành; khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức do Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ ban hành, của Giám đốc Sở ban hành và đã được cấp này giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại. Trường hợp này, Bộ trưởng giao Chánh Thanh tra hoặc Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết.
+ Thủ tục giải quyết :
Điều 34, Điều 41 Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành quy định về thời hạn thụ lý đơn khiếu nại, trong thời gian 10 ngày từ khi nhận đơn có đủ điều kiện để thụ lý, Thanh tra hoặc các đơn vị nhận được đơn phải thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết.
Đơn vị được Bộ trưởng giao giải quyết sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để xác minh, phải báo cáo với Bộ trưởng về kế hoạch giải quyết; dự thảo quyết định xác minh và sau đó chuẩn bị để Bộ trưởng gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại. Bước tiếp theo là tiến hành xác minh, dự thảo quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận, kiến nghị việc giải quyết, thông báo kết quả giải quyết khiếu nại và lưu trữ hồ sơ.
* Người được giao xác minh, giải quyết khiếu nại phải tổ chức việc đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết trước đó (nếu có), người có quyền nghĩa vụ liên quan.  Pháp luật quy định việc đối thoại là bắt buộc khi giải quyết khiếu nại lần đầu, đối với việc giải quyết khiếu nại lần hai, việc gặp gỡ, đối thoại chỉ thực hiện khi thấy cần thiết. Khi đối thoại, những người tham gia đối thoại có quyền phát biểu ý kiến, đưa ra bằng chứng liên quan đến vụ việc và những yêu cầu của mình, việc đối thoại phải lập thành biên bản.
* Xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại
Đơn vị, người được giao thực hiện có trách nhiệm tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, làm rõ và kết luận những nội dung đơn nêu, báo cáo kiến nghị, biện pháp giải quyết, dự thảo quyết định giải quyết khiếu nại trình thủ trưởng.
* Hồ sơ giải quyết khiếu nại
Việc giải quyết khiếu nại phải được lập hồ sơ, gồm có:
- Đơn khiếu nại hay văn bản ghi lời khiếu nại;
- Văn bản trả lời của người bị khiếu nại;
- Biên bản thẩm tra, xác minh, kết luận, kết quả giám định, biên bản gặp gỡ, đối thoại;
- Quyết định giải quyết khiếu nại.
- Các tài liệu có liên quan.
Hồ sơ giải quyết khiếu nại được lưu trữ theo quy định về lưu trữ hồ sơ, phải được đánh số trang theo thứ tự tài liệu. Trường hợp người khiếu nại khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án thì hồ sơ này được chuyển cho Toà án khi có yêu cầu.
* Thông báo kết quả giải quyết
Sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại, kết quả giải quyết khiếu nại phải được thông báo công khai cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền nghĩa vụ liên quan. Căn cứ vào mục đích, yêu cầu của việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết có thể lựa chọn một hoặc một số hình thức để thực hiện việc công khai:
+ Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
+ Đưa lên trang thông tin điện tử;
+ Tổ chức công bố công khai;
+ Phát hành ấn phẩm.
* Thời hạn giải quyết khiếu nại
Theo quy định của Luật khiếu nại tố cáo hiện hành thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý, đối với những vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý, những vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết quy định tại Điều 36 của Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành mà khiếu nại không được giải quyết, hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý, thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại toà án, đối với vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn thì thời hạn có thể thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Bộ trưởng thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án nhân dân cấp tỉnh.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết quy định tại Điều 43 của Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành mà khiếu nại không được giải quyết, hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý, thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại toà án, đối với vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn thì thời hạn có thể thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
Riêng đối với khiếu nại về nghiệp vụ chuyên ngành tư pháp như thi hành án dân sự; công chứng, chứng thực; công tác hộ tịch..., thời hiệu giải quyết được áp dụng theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành tư pháp.
3.2 Các đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị thuộc Bộ
Căn cứ Điều 24 Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ, thuộc cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; theo chức năng, thẩm quyền quản lý nhà nước được giao, các đơn vị: Cục Thi hành án dân sự, Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Viện khoa học pháp lý, Cục con nuôi, Trungtâm tin học, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Nhà xuất bản Tư pháp có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp. Những trường hợp này, Thủ trưởng các đơn vị vận dụng thực hiện các nội dung trong quy trình giải quyết đã nêu ở trên.
3.3 Các đơn thuộc thẩm quyền của cơ quan tư pháp địa phương
Nếu đơn gửi đến cơ quan Bộ, Thanh tra Bộ vào sổ theo dõi và chuyển đến các đơn vị có chức năng giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về lĩnh vực đó để xử lý. Các đơn vị này có trách nhiệm đăng ký vào sổ và làm phiếu chuyển đến cơ quan tư pháp địa phương có thẩm quyền giải quyết.
          Việc giải quyết đơn khiếu nại ở các cơ quan tư pháp địa phương được thực hiện như sau:
+ Đơn thuộc thẩm quyền
Theo điều 22 Luật khiếu nại tố cáo hiện hành , Giám đốc Sở có thẩm quyền:
- Giải quyết khiếu nại với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình trực tiếp quản lý;
- Giải quyết khiếu nại mà thủ trưởng cơ quan thuộc Sở đã giải quyết nhưng còn khiếu nại.
* Báo cáo đề xuất việc xác minh giải quyết khiếu nại
Trên cơ sở xác định đúng những trường hợp thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan mình, đơn vị chức năng hoặc cán bộ được phân công trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được đơn phải báo cáo thủ trưởng để quyết định việc thụ lý giải quyết.
Giám đốc Sở căn cứ nội dung, tính chất vụ việc khiếu nại để giao Chánh Thanh tra Sở hoặc Thủ trưởng phòng, ban chuyên môn trực thuộc hoặc giao Chánh Thanh tra chủ trì, phối hợp cùng thủ trưởng phòng, ban chuyên môn tiến hành xác minh, kết luận và kiến nghị việc giải quyết.
+ Các đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền
Khi nhận được đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị xử lý như sau:
- Đối với khiếu nại đã có quyết định giải quyết lần hai thì thông báo cho người khiếu nại biết và yêu cầu thực hiện quyết định đó, việc thông báo chỉ thực hiện một lần;
- Đối với đơn khiếu nại đề gửi nhiều nơi, trong các nơi đó đã gửi đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì lưu đơn;
- Đối với các đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết, có văn bản hướng dẫn người khiếu nại gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và chỉ hướng dẫn một lần.
  Trường hợp các Sở, Phòng Tư pháp nhận được đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng thuộc thẩm quyền của cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương thì vào sổ theo dõi và làm thủ tục chuyển đến các cơ quan đó để giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết.
3.4 Giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật của cán bộ, công chức
Trình tự giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ công chức về cơ bản được áp dụng như giải quyết khiếu nại hành chính. Tuy nhiên, cần chú ý về thời hiệu khiếu nại, đối với khiếu nại quyết định kỷ luật lần đầu là 15 ngày kể từ khi nhận quyết định, còn đối với quyết định hành chính là 90 ngày. Phòng Tư pháp không có chức năng giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức vì theo quy định của pháp luật về quản lý cán bộ, công chức, Trưởng phòng không có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.
3.5 Thẩm quyền của Chánh Thanh tra trong việc tiếp nhận và xử lý khiếu nại
Chánh Thanh tra các cấp khi nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp mình có trách nhiệm xem xét và báo cáo để Thủ  trưởng quyết định việc thụ lý và giải quyết khiếu nại đó.
4. Xử lý, giải quyết đơn tố cáo
4.1 Xử lý đơn tố cáo
Theo Điều 38, Nghị định số 136/2006/NĐ- CP, các đơn vị và Thanh tra sau khi tiếp nhận đơn tố cáo phải khẩn trương xử lý như sau:
 - Nếu tố cáo thuộc thẩm quyền của cấp mình, cán bộ tiếp nhận đơn phải làm biên nhận, vào sổ thụ lý trình thủ trưởng có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn 10 ngày. Cũng trong thời hạn đó, nếu không thuộc thẩm quyền thì phải chuyển đơn và các tài liệu liên quan đến người có thẩm quyền giải quyết;
- Trường hợp tố cáo hành vi phạm tội thì chuyển đơn đến cơ quan điều tra, viện kiểm sát theo quy định tại Điều 71 Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành;
- Không xem xét, giải quyết những trường hợp tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký hoặc đã được cấp có thẩm quyền giải quyết, nay tiếp tục tố cáo nhưng không có tài liệu, chứng cứ mới.
Khi người tố cáo đến trụ sở cơ quan trình bày trực tiếp thì người tiếp phải ghi rõ nội dung tố cáo, họ tên, địa chỉ người tố cáo, khi cần thiết thì ghi âm lời tố cáo. Văn bản phải được đọc lại cho người tố cáo nghe và ký tên xác nhận.
4.2 Thẩm quyền giải quyết tố cáo
 Việc giải quyết tố cáo đối với cán bộ, công chức ngành được áp dụng theo quy định chung của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết cần lưu ý về phân cấp và uỷ quyền quản lý cán bộ, công chức thi hành án địa phương; về công tác phối hợp khi đối tượng bị tố cáo là những người có chức danh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm như: công chứng viên, giám định viên....
Theo những quy định hiện hành, Trưởng phòng Tư pháp không có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức thuộc Phòng vì Phòng Tư pháp là cơ quan sử dụng công chức, chứ không phải là cơ quan quản lý công chức; trường hợp này, thẩm quyền giải quyết là của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
a. Thẩm quyền của  Bộ trưởng:   
- Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về nhiệm vụ, công vụ của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và cán bộ, công chức do Bộ trưởng bổ nhiệm và quản lý trực tiếp;
- Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
- Giải quyết tố cáo mà Thủ trưởng các đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo đã giải quyết, Giám đốc Sở Tư pháp đã giải quyết trong phạm vi uỷ quyền quản lý của Bộ trưởng về một số mặt về công tác tổ chức, cán bộ thi hành án ở địa phương nhưng còn tố cáo tiếp  và có cơ sở để thụ lý giải quyết.
Căn cứ tính chất, mức độ của đơn tố cáo, trên cơ sở báo cáo đề xuất của Thanh tra hoặc Vụ Tổ chức cán bộ khi được giao, Bộ trưởng ra quyết định xác minh; trong quyết định này ghi rõ đơn vị, người tiến hành xác minh, nội dung cần xác minh và thời gian tiến hành. Sau khi kết thúc; đơn vị, người được giao nhiệm vụ tiến hành xác minh phải có văn bản kết luận  rõ về những nội dung tố cáo và kiến nghị biện pháp xử lý;
 Trên cơ sở kiến nghị của bản kết luận, Bộ trưởng ra quyết định xử lý tố cáo và giao Thanh tra hoặc Vụ tổ chức cán bộ tiến hành thông báo kết quả xử lý đến các cá nhân, tổ chức có liên quan để biết và thực hiện.
b. Thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ
           Thủ trưởng các đơn vị có thẩm quyền giải quyết tố cáo, căn cứ Điều 59, 60 Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành; Thủ trưởng các đơn vị: Cục Thi hành án dân sự, Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Viện khoa học pháp lý, Cục con nuôi, Trung tâm tin học, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Nhà xuất bản Tư pháp  có thẩm quyền giải quyết tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ công chức thuộc đơn vị mình quản lý (trừ cấp phó).
c. Thẩm quyền của Chánh Thanh tra Bộ
Căn cứ  Điều 62 Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành; Chánh Thanh tra Bộ có thẩm quyền:
- Xác minh, kết luận nội dung tố cáo, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng khi được giao;
- Xem xét, kết luận nội dung tố cáo mà thủ trưởng các đơn vị đã nêu ở mục b trên đây đã giải quyết nhưng có vi phạm pháp luật, trong trường hợp kết luận việc giải quyết có vi phạm pháp luật thì kiến nghị người đã giải quyết xem xét, giải quyết lại.
d. Thẩm quyền của Giám đốc Sở:
Giám đốc Sở có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Trưởng phòng, Phó trưởng phòng thuộc Sở và những người khác do mình bổ nhiệm và quản lý trực tiếp.
e. Thẩm quyền của Chánh thanh tra Sở:
- Xác minh, kết luận, nội dung tố cáo, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền của Giám đốc Sở  khi được giao
- Xem xét, kết luận nội dung tố cáo mà thủ trưởng cơ quan cấp dưới của Giám đốc Sở đã giải quyết nhưng có vi phạm pháp luật; trong trường hợp kết luận việc giải quyết có vi phạm pháp luật thì kiến nghị người đã giải quyết xem xét, giải quyết lại.
4.3 Thời hạn thụ lý, giải quyết tố cáo và hồ sơ giải quyết tố cáo
a. Thời hạn thụ lý và giải quyết tố cáo
Theo quy định tại Điều 66, Điều 67 Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành, chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan có thẩm quyền phải thụ lý để giải quyết. Thời hạn giải quyết tố cáo không quá 60 ngày: đối với vụ việc phức tạp được kéo dài hơn, nhưng không quá 90 ngày kể từ ngày thụ lý.
b. Giải quyết tố cáo
- Người được giao trách nhiệm xác minh, kết luận nội dung tố cáo trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được đơn phải trình người có thẩm quyền giải quyết tố cáo về kế hoạch giải quyết, đồng thời dự thảo quyết định xác minh. 
Hồ sơ trình gồm có:
+ Đơn tố cáo và các tài liệu có liên quan;
+ Báo cáo đề xuất gồm các nội dung: tóm tắt nội dung tố cáo, kết quả giải quyết trước đó (nếu có), dự định nhân sự, thời gian tiến hành; hình thức tiến hành là lập đoàn thanh tra hay cử cán bộ thực hiện; việc phối hợp với các đơn vị bạn nếu xét thấy cần thiết;
+ Dự thảo quyết định thành lập đoàn hay cử cán bộ thực hiện với các nội dung cần thiết để Thủ trưởng ký duyệt.
- Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo đề xuất, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo ra quyết định xác minh.
- Căn cứ nội dung quyết định, người được giao xác minh có trách nhiệm thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật để kết luận rõ đúng, sai về nội dung tố cáo và kiến nghị biện pháp xử lý. Trong quá trình thực hiện xác minh phải tuân thủ nguyên tắc khách quan, trung thực và đúng pháp luật, không làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của đơn vị được xác minh; đồng thời, nếu có yêu cầu, phải giữ bí mật, không được tiết lộ những thông tin có hại cho người tố cáo.
-  Căn cứ vào kết quả xác minh, kết luận về nội dung tố cáo của người được giao xác minh, người giải quyết tố cáo xử lý như sau:
+ Nếu người bị tố cáo không vi phạm pháp luật, không vi phạm các quy định về nhiệm vụ, công vụ thì phải có kết lận rõ và thông báo bằng văn bản cho người bị tố cáo, cơ quan quản lý người bị tố cáo biết, đồng thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý người cố tình tố cáo sai sự thật;
+ Nếu người bị tố cáo có vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về nhiệm vụ, công vụ phải xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý, đồng thời áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để quyết định, kiến nghị xử lý được chấp hành nghiêm chỉnh.
c. Hồ sơ giải quyết tố cáo
Hồ sơ giải quyết tố cáo gồm:
 - Đơn tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo;
- Biên bản xác minh, kết quả giám định, tài liệu chứng cứ thu thập được trong quá trình giải quyết;
- Văn bản giải trình của người bị tố cáo;
- Kết luận về nội dung tố cáo và kiến nghị biện pháp xử lý;
- Quyết định xử lý;
- Các tài liệu khác có liên quan.
Hồ sơ giải quyết tố cáo được lưu trữ tại đơn vị giải quyết hoặc được giao giải quyết theo quy định về lưu trữ hồ sơ.
* Chú ý:  Riêng đối với đơn khiếu nại, tố cáo do các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội; các cơ quan Trung ương; cơ quan thông tấn báo chí... chuyển đến, ngoài việc xử lý như đã nêu trên, Thanh tra cũng như các đơn vị được giao giải quyết, tuỳ từng trường hợp phải tham mưu với Lãnh đạo để báo cáo hoặc thông báo kết quả giải quyết đến nơi đã chuyển đơn.
Trong ngành Tư pháp, số lượng tố cáo chiếm tỷ lệ không lớn so với khiếu nại, tuy nhiên việc giải quyết và xử lý lại hết sức phức tạp vì giải quyết tố cáo gắn liền với công tác xử lý cán bộ có sai phạm. Hiện nay, tố cáo trong ngành tập trung chủ yếu vào đối tượng là cán bộ thường xuyên tiếp xúc với dân và làm những công việc có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, lợi ích công dân, hoặc trực tiếp quản lý tiền và cơ sở vật chất như: cán bộ thi hành án, hộ tịch, công chứng, thủ quỹ, kế toán... Làm tốt việc giải quyết tố cáo, xử lý nghiêm những sai phạm của cán bộ có tác dụng làm trong sạch đội ngũ cán bộ và nâng cao hiệu quả công tác của các cơ quan tư pháp; đồng thời, thông qua đó cũng xử lý kiên quyết những trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo cố tình bịa đặt, vu khống nhằm hạ uy tín cán bộ, gây ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét