Pages

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Tìm nguyên nhân gây nên việc khiếu nại kéo dài vượt cấp

Có nhiều nguyên nhân gây nên việc khiếu nại kéo dài, dai dẳng, khiếu nại vượt cấp trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, đáng nói nhất là những vi phạm Luật Khiếu nại, tố cáo của các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân.
Các cơ quan nhà nước ngại…  ra quyết định giải quyết khiếu nại

Khi công dân có đơn khiếu nại đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu giải quyết một việc nào đó, nếu vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết thì bắt buộc cơ quan nhà nước đó phải ra quyết định giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp không hiểu vì lý do gì các cơ quan này không ra quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định mà chỉ có công văn hoặc thông báo trả lời việc khiếu nại. Khi công dân không đồng ý với cách trả lời đó, khiếu nại lên cấp trên thì cơ quan cấp trên đòi hỏi phải có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của cơ quan cấp dưới. Người dân lại phải chạy ngược lại yêu cầu cơ quan cấp dưới ra quyết định giải quyết khiếu nại. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích của người dân. Mặc dù Điều 17, Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo đã quy định rất rõ người giải quyết khiếu nại phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo các nội dung quy định tại khoản 11, khoản 18 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo năm 2005; không dùng thông báo, biên bản cuộc họp hoặc các hình thức văn bản khác để thay thế quyết định giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, trên thực tế thì vẫn còn một số cơ quan đơn vị ngại… ra quyết định giải quyết khiếu nại làm ảnh hưởng đến quyền và lợi hợp pháp của công dân, tổ chức.

Không tổ chức đối thoại trước khi ban hành quyết định giải quyết.

Việc tổ chức đối thoại với người khiếu nại trong lần giải quyết khiếu nại lần đầu là một thủ tục bắt buột được quy đinh cụ thể tại Điều 9 Nghị định 136/2006/NĐ-CP. Theo đó, Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu người giải quyết khiếu nại phải trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc gặp gỡ, đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ; nếu thấy cần thiết có thể mời đại diện tổ chức chính trị - xã hội tham dự.

Đối với việc giải quyết khiếu nại lần hai, việc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp chỉ thực hiện khi thấy cần thiết. Trong trường hợp khiếu nại là vụ việc phức tạp, thì người giải quyết khiếu nại lần hai phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và lợi ích liên quan. Việc gặp gỡ, đối thoại được tiến hành như lần đầu và kết quả của việc gặp gỡ, đối thoại là một trong các căn cứ làm cơ sở cho việc giải quyết khiếu nại.
Luật đã quy định rõ về trình tự, thủ tục đối thoại trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại như vậy nhưng một số cơ quan, đơn vị vẫn “quên” thủ tục này.
Việc gặp gỡ đối thoại với người khiếu nại trong khi giải quyết khiếu nại lần đầu là một thủ tục bắt buột, tuy nhiên nó được thực hiện một cách “linh hoạt”, “mềm hơn” so với thủ tục tố tụng. Nếu trong thủ tục tố tụng khi có thiếu sót về trình tự, thủ tục thì cấp trên sẽ huỷ ngay kết quả giải quyết để làm lại theo đúng thủ tục. Trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại thì việc này cũng tuỳ vào trường hợp mà cơ quan cấp trên huỷ kết quả để yêu cầu cấp dưới giải quyết lại hoặc vẫn tiếp tục giải quyết tiếp lần hai. Thiết nghĩ vấn đề này cũng nên quy định một cách rõ ràng, dứt khoát, tránh vận dụng một cách tuỳ tiện trong xử  lý.
Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại không theo đúng quy định của pháp luật
Qua công tác kiểm tra, thanh tra của Sở Tư pháp Quảng Ngãi trong thời gian qua đối với công tác ban hành văn bản, công tác giải quyết khiếu nại của một số địa phương cho thấy nhiều cơ quan khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại cho công dân, tổ chức rất sơ sài không đảm bảo về hình thức lẫn nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định tại Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 đã được sữa đổi bổ sung năm 2005. Theo đó, nội dung của Quyết định giải quyết khiếu nại phải bao hàm các nội dung sau:  Ngày, tháng, năm ra quyết định; Tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại; Nội dung khiếu nại; Kết quả xác minh nội dung khiếu nại; căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại; Kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ; Giữ nguyên, sửa đổi hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại; giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại; Việc bồi thường cho người bị thiệt hại (nếu có); Quyền khiếu nại tiếp, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án.
Những nội dung cần phải có trong một quyết định giải quyết khiếu nại đã được quy định rất chi tiết, cụ thể như vậy nhưng có nhiều trường hợp ở một số đơn vị khi ra quyết định giải quyết khiếu nại rất sơ sài, chỉ có 1 trang giấy A4. Trong quyết định giải quyết khiếu nại không có nội dung khiếu nại; Kết quả xác minh nội dung khiếu nại; căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại; Quyền khiếu nại tiếp, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án. Thông thường thủ trưởng các đơn vị này căn cứ vào Kết luận thanh tra của Đoàn thanh tra để ra quyết định giải quyết khiếu nại không đủ nội dung theo quy định của một quyết định giải quyết khiếu nại là chưa phù hợp.
Kết luận thanh tra là một trong những cơ sở để ra quyết định giải quyết khiếu nại, chứ nó không thể thay thế cho quyết định giải quyết khiếu nại. Có thể nói rằng hình thức và nội dung của một quyết định giải quyết khiếu nại nó giống như một bản án của Toà, phải có đầy đủ những nội dung mới đảm bảo được tính pháp lý của nó.

…đến việc “quên” tuyên truyền về quyền khiếu nại, khởi kiện tiếp của người khiếu nại.

Theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo hiện hành thì trong quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải có nội dung đề cập đến quyền khiếu nại tiếp, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại. Trong quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải có nội dung về quyền khởi kiện hành chính tại Toà án của người khiếu nại. Tuy nhiên, có nhiều quyết định giải quyết khiếu nại các cơ quan nhà nước lại “quên” tuyên truyền về quyền này cho người khiếu nại, đây cũng chính là nguyên nhân làm cho người khiếu nại gửi đơn thư tràn lan, vượt cấp.
Khi được hỏi vì sao không tuyên truyền quyền khiếu nại, khởi kiện tiếp của người khiếu nại, có vị trả lời rằng: “Tuyên làm chi, như thế khác nào vẽ đường cho hươu chạy”. Luật đã quy định trách nhiệm của người giải quyết khiếu nại là phải làm điều đó, phải hướng dẫn cho công dân và đó cũng chính là quyền của công dân được biết phải khiếu nại, khởi kiện tiếp ở đâu? Có những trường hợp người khiếu nại gửi đơn thư tràn lan là do không được “vẽ đường” nên “chạy” không trúng chỗ, gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét