Pages

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Để nâng cao hiệu quả xử lý hành vi tham nhũng

Mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh; người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị nào, chức vụ nào đều phải bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Việc xử lý đối với người có hành vi tham nhũng trước hết phải được tiến hành trên nguyên tắc mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh; người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị nào, chức vụ nào đều phải bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật; việc xử lý tham nhũng phải được thực hiện công khai theo quy định của pháp luật; tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật... Các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc xử lý tham nhũng bao gồm:
- Có sự phối kết hợp giữa các tổ chức đảng với chính quyền trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về tham nhũng của cán bộ, đảng viên. Các cơ quan này phải thường xuyên trao đổi thông tin, tài liệu, kinh nghiệm về công tác phòng, chống tham nhũng; tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng và kiến nghị các cơ chế chính sách, giải pháp phòng, chống tham nhũng. Các hình thức phối hợp cần linh hoạt, nếu hai tổ chức, đơn vị hoặc nhiều tổ chức, đơn vị phối hợp với nhau thì có một tổ chức, đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm chính.
- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cần thực hiện nghiêm việc xử lý hành chính đối với các cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng. Kết quả của việc xử lý được công khai để nhân dân giám sát.
- Các cơ quan Thanh tra cần tập trung thanh tra, kiểm tra tại một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài sản công và thu-chi ngân sách v.v. Đối với vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, cần thành lập Đoàn công tác liên ngành bao gồm các cơ quan Thanh tra, Kiểm tra đảng, Kiểm toán, Công an, Viện kiểm sát. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, thì trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày phát hiện dấu hiệu tội phạm, phải chuyển hồ sơ vụ việc đó và bản kiến nghị khởi tố đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để xem xét khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.
- Cơ quan Điều tra ngoài việc phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật, cần thiết có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, Hải quan, Thuế, Kiểm lâm trong việc điều tra các vụ án về tham nhũng.
- Viện kiểm sát cần chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng; cần phân công Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ quá trình điều tra vụ án về tham nhũng và báo cáo thường xuyên tiến trình điều tra vụ án cho cấp lãnh đạo biết; kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án sao cho xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
- Cơ quan Tòa án khi thụ lý hồ sơ vụ án về tham nhũng, phải đưa vụ án ra xét xử sớm hơn theo quy định của pháp luật; đối với loại tội phạm này, cần xét xử nghiêm minh, hạn chế cho các bị cáo hưởng án treo và xử dưới mức khởi điểm của khung hình phạt; toàn bộ các bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật về tội tham nhũng cần phải được thanh tra, kiểm tra việc thi hành và phải được xem xét lại  theo thủ tục giám đốc thẩm. Có như vậy, mới có tác dụng răn đe và phòng ngừa chung.
Cần hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến việc xử lý các hành vi tham nhũng như:

+ Bổ sung một số tội danh tham nhũng mới như làm giàu bất chính, hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài hoặc quan chức của các tổ chức quốc tế. Đây cũng là yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và vấn đề tham nhũng không còn dừng lại trong giới hạn của một quốc gia nào, mà đã trở thành một loại tội phạm xuyên quốc gia;
+ Chuyển tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ sang nhóm các tội phạm về tham nhũng (của Bộ Luật hình sự);
+ Nên coi các giá trị tinh thần cũng là vật hối lộ, kể cả đưa và nhận hối lộ, vì vật chất và tinh thần là hai giá trị có thể đáp ứng nhu cầu của con người và qua đó có thể làm ảnh hưởng đến các quyết định đúng đắn của người có chức vụ, quyền hạn; đối với tội nhận hối lộ có thể quy định chặt chẽ hơn và giảm bớt nghĩa vụ chứng minh cho các cơ quan tiến hành tố tụng;
+ Nghiên cứu bổ sung quy định về chế độ trách nhiệm đối với Thủ trưởng cơ quan công quyền để xảy ra tham nhũng. Trách nhiệm này chỉ được xác lập trên cơ sở hành vi mà ở đây là hành vi kiểm tra, giám sát các cán bộ, công chức cấp dưới. Việc áp đặt trách nhiệm một cách tràn lan, không căn cứ vào hành vi có thể sẽ đưa đến một kết quả ngược lại và nó có thể sẽ khuyến khích người đứng đầu cơ quan che dấu cho tham nhũng;
+ Cần phải quy định trách nhiệm của pháp nhân trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc người được pháp nhân giao thực hiện hành vi hối lộ vì lợi ích của pháp nhân mà bị kết án về tội đưa hối lộ thì pháp nhân đó bị phạt tiền gấp 5 lần giá trị hối lộ và còn có thể bị tước giấy phép hoạt động hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh, quy định này cũng phù hợp với Công ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng;
+ Hệ thống pháp luật cần đảm bảo sự đồng bộ, hài hòa với việc hoàn thiện các thể chế của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác.
- Về việc xử lý tài sản do tham nhũng mà có thì ngoài việc xử lý theo các quy định của pháp luật hiện hành, cần phải quy định dành một phần để chi cho các nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng và một phần chi cho việc phát hiện ra hành vi tham nhũng. Trong quá trình xử lý các vụ việc về tham nhũng cần phải hết sức chú ý đến điều tra, xác minh các tài sản bất minh của kẻ tham nhũng để xử lý.
Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét sửa đổi một số quy định của pháp luật nhằm thu hồi tài sản tham nhũng, bổ sung thêm một số hành vi tham nhũng được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng vào Bộ Luật hình sự (ví dụ: hành vi đưa hối lộ; hành vi môi giới hối lộ; hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi, gây hậu quả nghiêm trọng v.v…). Đồng thời, cần lưu ý đến các chế tài phạt tiền, nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Người có hành vi tham nhũng phải bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo các chế độ về trách nhiệm chính trị, hành chính, hình sự và bất kể người đó là ai, ở cương vị nào, dù đương chức hay đã nghị hưu./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét