Pages

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Những yếu tố tác động đến chất lượng Báo cáo kết quả Thanh tra

Báo cáo kết quả thanh tra được hoàn chỉnh sau khi Đoàn thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp các nội dung được nêu trong quyết định thanh tra. Chất lượng của Báo cáo kết quả thanh tra phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính chất, mức độ phức tạp của cuộc thanh tra, việc bố trí, phân công lực lượng tiến hành thanh tra… Qua thực tiễn công tác thanh tra, có thể thấy một số yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng Báo cáo kết quả thanh tra.
Trong giai đoạn chuẩn bị tiến hành thanh tra dễ nhận thấy, công tác khảo sát, nắm tình hình trước khi xây dựng kế hoạch tiến hành một cuộc thanh tra cụ thể là một khâu có vai trò rất quan trọng trong công tác thanh tra. Thông qua việc nắm tình hình, thu thập thông tin trước khi thanh tra sẽ giúp cơ quan tiến hành thanh tra rút ngắn được thời gian trong xác định trọng tâm cuộc thanh tra, xây dựng đề cương, kế hoạch thanh tra sát với thực tế. Bên cạnh đó, việc xây dựng đề cương, kế hoạch thanh tra cũng là một việc cần thiết. Từ những nội dung cần thanh tra đã được xác định bước đầu, cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì cuộc thanh tra phải đề xuất cụ thể về nội dung, đối tượng và phạm vi cuộc thanh tra; khái quát những đề xuất này trong quyết định thanh tra và cụ thể hóa trong đề cương, kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra, trình người có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
Thực hiện tốt nhiệm vụ trong khâu này là yêu cầu rất quan trọng trong đảm bảo triển khai thực hiện cuộc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải về nội dung và không bị kéo dài về thời gian mà vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ yêu cầu đặt ra đối với cuộc thanh tra.
Nếu công tác khảo sát, nắm tình hình và xây dựng đề cương, kế hoạch thanh tra giữ vai trò quan trọng thì công tác chuẩn bị lực lượng cho Đoàn thanh tra là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của cuộc thanh tra. Từ những yêu cầu về nhiệm vụ được giao, cơ quan chủ trì cuộc thanh tra phải lựa chọn nhân lực phù hợp để thành lập Đoàn thanh tra.
Trưởng Đoàn thanh tra là chức danh có vị trí quan trọng đặc biệt, là người chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của Đoàn thanh tra. Trưởng Đoàn thanh tra là vị trí tập trung để xử lý các mối quan hệ chủ yếu liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra. Trong nội bộ Đoàn thanh tra; giữa Đoàn thanh tra với người ra quyết định thanh tra; giữa Đoàn thanh tra với đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan... Do vậy, lựa chọn đúng người giữ cương vị Trưởng Đoàn thanh tra là yếu tố quyết định đến việc thành công hay không và mức độ thành công của cuộc thanh tra. 
Các thành viên trong Đoàn thanh tra, có những vai trò khác nhau, tùy từng công việc được phân công. Tuy nhiên, dù ở vị trí, vai trò nào thì những yếu tố về năng lực chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ được phân công, nghiệp vụ thanh tra, thái độ giao tiếp, ứng xử trong và ngoài Đoàn thanh tra, kỹ năng xây dựng biên bản, báo cáo kết quả những phần việc được giao... đều là những yếu tố cần phải đặt ra khi lựa chọn thành viên cho các Đoàn thanh tra. Đặc biệt, việc lựa chọn thành viên cho Đoàn thanh tra phải hết sức chú ý đến ý kiến của người được dự kiến phân công làm Trưởng Đoàn thanh tra, tránh việc áp đặt chủ quan từ những người có trách nhiệm tham mưu trong xây dựng lực lượng Đoàn thanh tra.
Giai đoạn tiến hành thanh tra trực tiếp là giai đoạn trọng tâm, có ý nghĩa quyết định đến kết quả của cuộc thanh tra. Trong giai đoạn này, rất nhiều các tình huống phát sinh đòi hỏi phải có sự xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, đòi hỏi Trưởng đoàn và các thành viên Đoàn thanh tra phải chủ động thực hiện nhiệm vụ của mình. Việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của Trưởng đoàn và các thành viên Đoàn thanh tra cần được đảm bảo đúng theo các quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành; tuân thủ đề cương, kế hoạch của Đoàn thanh tra đã được phê duyệt. Việc thu thập, xác minh chứng cứ, đối chiếu với các quy định của pháp luật cần được thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình khi tiến hành thanh tra trực tiếp.
Ngoài ra, trong giai đoạn thanh tra trực tiếp, chế độ thông tin, báo cáo trong nội bộ Đoàn thanh tra và giữa Đoàn thanh tra với người ra quyết định thanh tra, người được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát Đoàn thanh tra cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Trong nội bộ Đoàn thanh tra, việc thực hiện thông tin báo cáo cần thực hiện thường xuyên, đó là việc báo cáo của thành viên Đoàn thanh tra với tổ trưởng, nhóm trưởng, Trưởng Đoàn thanh tra về những nội dung công việc đã và đang tiến hành, các tình huống phát sinh, những vấn đề cần có ý kiến chỉ đạo. Ngược lại, Trưởng đoàn phải kịp thời thông tin đến các thành viên trong Đoàn thanh tra về những nội dung chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra, người được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, để đảm bảo hoạt động của Đoàn thanh tra được thực hiện thông suốt, phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên với nhau trong quá trình thanh tra trực tiếp.      
Việc tuân thủ chế độ thông tin, báo cáo giữa Đoàn thanh tra với người ra quyết định thanh tra cũng là nhân tố tác động quan trọng đến kết quả cuộc thanh tra nói chung, việc xây dựng báo cáo kết quả thanh tra nói riêng. Trong quá trình thanh tra, không ít những trường hợp Đoàn thanh tra có những báo cáo đột xuất để người ra quyết định thanh tra cho ý kiến xử lý. Việc xin ý kiến đột xuất này chủ yếu rơi vào các trường hợp khi cần có sự thay đổi, bổ sung lực lượng của Đoàn thanh tra; thay đổi nội dung, thời gian cuộc thanh tra hoặc khi cần thiết phải áp dụng các biện pháp mạnh để thực hiện nhiệm vụ thanh tra như: niêm phong tài liệu, kiểm kê tài sản, tạm đình chỉ công tác những người liên quan đến nội dung thanh tra…
Khi Đoàn thanh tra thực hiện báo cáo theo tiến độ hoặc có những báo cáo, xin ý kiến đột xuất, người ra quyết định thanh tra, người được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra sẽ có những thông tin kịp thời về hoạt động của Đoàn thanh tra và những kết quả bước đầu về các nội dung được thanh tra, kiểm tra, từ đó có những chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế. Mặc dù việc tiếp nhận và xử lý thông tin từ những báo cáo của Đoàn thanh tra là một kênh thông tin quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành của người ra quyết định thanh tra, nhưng việc chủ động kiểm tra, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra bằng nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin khác cũng rất cần thiết, đảm bảo cho hoạt động thanh tra đúng pháp luật và giúp người ra quyết định thanh tra chỉ đạo kịp thời việc tập trung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm về nội dung; chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót của Đoàn thanh tra (nếu có).  
Việc kiểm tra, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra được thực hiện tốt sẽ giúp người ra quyết định thanh tra nắm bắt kịp thời kết quả thanh tra tại từng thời điểm cụ thể, từ đó có quyết định đúng đắn, kịp thời về việc chấp thuận hay từ chối hoặc chỉ đạo những biện pháp khác để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Đoàn thanh tra.
Giai đoạn kết thúc thanh tra, việc xây dựng Báo cáo kết quả thanh tra có thể được Đoàn thanh tra thực hiện ngay khi đang thực hiện thanh tra trực tiếp, sau khi từng phần việc cụ thể đã được hoàn thành. Tuy nhiên, về mặt lôgic thời gian và trình tự tiến hành một cuộc thanh tra, thì việc xây dựng và hoàn chỉnh Báo cáo kết quả thanh tra được Đoàn thanh tra thực hiện sau khi kết thúc việc thanh tra trực tiếp. Đây là giai đoạn mà vấn đề thông tin, tài liệu cần xử lý không nhiều như giai đoạn thanh tra trực tiếp, nhưng đòi hỏi việc tập trung trí tuệ rất lớn của các thành viên Đoàn thanh tra, đặc biệt là vai trò chủ đạo của Trưởng Đoàn thanh tra trong việc phân tích, đánh giá chứng cứ, so sánh, đối chiếu với các quy định của pháp luật. Các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện những nội dung thanh tra theo sự phân công của Trưởng Đoàn thanh tra; khi thực hiện nhiệm vụ, thành viên Đoàn thanh tra chịu sự kiểm tra, giám sát của Trưởng Đoàn thanh tra; kết thúc công việc thành viên Đoàn thanh tra phải báo cáo kết quả thanh tra về các nội dung được phân công (kèm theo báo cáo là các tài liệu, chứng cứ có liên quan).
Để xác định rõ tính chất, mức độ sai phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm (nếu có) đòi hỏi trình độ nhận thức, ý thức trách nhiệm của người làm báo cáo, xác định rõ tính chất, mức độ sai phạm của đối tượng với những căn cứ pháp lý rõ ràng, cụ thể giúp cho người ra quyết định thanh tra đánh giá được chính xác, khách quan việc thực hiện chính sách của đối tượng. Xác định rõ trách nhiệm của những đối tượng có sai phạm, khuyết điểm, thiếu sót; chỉ ra nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan làm cơ sở đánh giá, nhận xét mức độ sai phạm, từ đó có các kiến nghị hình thức xử lý cho phù hợp.
Trong giai đoạn này, việc kiểm tra, rà soát chứng cứ, đối chiếu với các quy định của pháp luật là công việc cần phải thực hiện, nhằm chính xác hóa những nhận định, đánh giá bước đầu của các thành viên Đoàn thanh tra đối với từng nội dung đã được kiểm tra. Các thành viên Đoàn thanh tra phải tự kiểm tra, rà soát nội dung công việc của mình, báo cáo kết quả trong tổ, nhóm mình và cùng với các thành viên khác trong tổ, nhóm tiếp tục rà soát, phản biện để đảm bảo những nhận định, đánh giá đưa ra có đủ căn cứ pháp lý và hồ sơ, tài liệu chứng minh, từ đó hình thành nên báo cáo kết quả chung của tổ, nhóm. Trưởng Đoàn thanh tra phải có trách nhiệm tiếp tục rà soát, phản biện những nội dung các tổ, nhóm báo cáo; yêu cầu từng thành viên báo cáo bổ sung, làm rõ những nội dung chưa rõ hoặc không phù hợp với những tài liệu khác đã thu thập được trong quá trình thanh tra. Nếu báo cáo của từng thành viên Đoàn thanh tra làm không đảm bảo về nội dung, kết cấu, hình thức không hợp lý (ví dụ quá dài dòng, nặng về diễn giải sự việc mà không đưa ra được nhận định, kết luận gì), thì sẽ gây khó khăn cho Trưởng Đoàn thanh tra khi thực hiện việc tổng hợp, biên tập thành Báo cáo kết quả chung của Đoàn thanh tra.
Sau khi các thành viên Đoàn thanh tra có báo cáo về kết quả những phần việc được phân công, Trưởng Đoàn thanh tra trực tiếp biên tập hoặc giao thành viên trong Đoàn thanh tra biên tập thành Báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra. Báo cáo kết quả thanh tra là trách nhiệm chung của cả Đoàn thanh tra và được cá thể hoá cho các thành viên trong Đoàn thanh tra. Đối với thành viên là Trưởng Đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm phản ánh đầy đủ trung thực kết quả của các thành viên khác trong Đoàn thành tra trên cơ sở phân tích hồ sơ chứng cứ và báo cáo kết quả của thành viên Đoàn thanh tra. Nói một cách khác, Trưởng Đoàn thanh tra không chỉ tổng hợp đơn thuần kết quả của các thành viên trong Đoàn thanh tra mà còn phải xem xét đánh giá trước khi nghiệm thu kết quả của thành viên Đoàn thanh tra khi thấy có căn cứ chắc chắn mới đưa vào Báo cáo kết quả thanh tra. Đây là vấn đề cần nhận thức đúng trong Đoàn thanh tra và cần được thực hiện ngay trong quá trình thanh tra.
Để thực hiện được điều này đòi hỏi Trưởng Đoàn thanh tra không chỉ có trình độ chuyên môn mà đòi hỏi phải có trình độ tổ chức triển khai công việc, khả năng bao quát, quán xuyến được công việc của các thành viên trong Đoàn thanh tra… Trưởng Đoàn thanh tra không can thiệp, làm thay thành viên Đoàn thanh tra nhưng Trưởng Đoàn thanh tra có quyền chất vấn, yêu cầu thành viên Đoàn thanh tra làm rõ những vấn đề nêu trong báo cáo, khi cần thiết yêu cầu xác minh, bổ sung. Trường hợp ý kiến của thành viên trong Đoàn thanh tra và Trưởng Đoàn thanh tra còn khác nhau thì phải nêu trong Báo cáo kết quả thanh tra và xin ý kiến chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra. Trước khi báo cáo kết quả thanh tra với người ra quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra phải họp Đoàn thanh tra để thông qua dự thảo Báo cáo, rà soát lại tài liệu, chứng cứ của các thành viên trong Đoàn, tập hợp những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, xử lý.
Có thể nói, xây dựng và hoàn thiện Báo cáo kết quả thanh tra là những công việc nằm trong giai đoạn kết thúc thanh tra, tuy nhiên chúng có quan hệ mật thiết và phụ thuộc nhiều vào việc chuẩn bị thanh tra và khi tiến hành thanh tra trực tiếp. Chuẩn bị thanh tra tốt là điều kiện cần để tiến hành thanh tra trực tiếp được thuận lợi. Tiếp đó, kết quả thanh tra trực tiếp tốt mà biểu hiện cụ thể là báo cáo kết quả của các thành viên Đoàn thanh tra được xây dựng chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với cuộc thanh tra, sẽ là điều kiện cần để xây dựng Báo cáo kết quả thanh tra đảm bảo tính chính xác, khách quan, trung thực./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét