Pages

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Nâng cao hiệu quả Thanh tra dự án sử dụng vốn đầu tư nhà nước

Một là, cần quy định rõ và cụ thể hóa nội hàm khái niệm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành theo tinh thần của Luật Thanh tra (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1/7/2011, sao cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu cải cách hành chính, tạo cơ sở pháp lý để xác định mục tiêu, nội dung, đối tượng và phân cấp thẩm quyền trong hoạt động thanh tra.
Thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra trong nội bộ bộ máy nhà nước; là thanh tra của cơ quan cấp trên đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân cấp dưới (thuộc quyền quản lý trực tiếp); hướng vào việc xem xét, đánh giá việc thực hiện pháp luật, nhiệm vụ cũng như hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Đối tượng của hoạt động thanh tra hành chính phải là các cơ quan nhà nước và công chức nhà nước. Vì vậy, thanh tra hành chính mang tính kiểm soát nội bộ, với mục đích cụ thể là nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy hành chính, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước.

Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra hướng vào việc xem xét, đánh giá việc thực hiện pháp luật chuyên ngành, với phạm vi đối tượng là mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thanh tra chuyên ngành do các cơ quan thanh tra thuộc các cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực thực hiện. 

Hai là, cần ban hành một văn bản quy phạm pháp luật (có thể là nghị định hoặc thông tư liên tịch) điều chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước, trong đó:
- Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi đối tượng, nội dung thanh tra của từng cơ quan thanh tra và từng loại hình thanh tra (hành chính hoặc chuyên ngành) khi thanh tra dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước. Quy định cụ thể và thực hiện có hiệu quả hai chức năng cơ bản của Thanh tra Chính phủ: (1) chức năng quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động thanh tra trên phạm vi cả nước (xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật về thanh tra; chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các kết luận của cơ quan thanh tra chuyên ngành; điều phối hoạt động thanh tra, xử lý sai phạm sau thanh tra v.v…); (2) chức năng thanh tra hành chính đối với các bộ, cơ quan nganh bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước.
Trong giai đoạn trước mắt, khi mà năng lực của cơ quan thanh tra chuyên ngành chưa tương xứng với nhiệm vụ và phạm vi đối tượng thanh tra, thì cơ quan thanh tra hành chính cần tiếp tục tham gia vào hoạt động thanh tra chuyên ngành; vì vậy đối với thanh tra chuyên ngành về tài chính đầu tư xây dựng, cần quy định đối với những dự án đặc biệt, dự án nhóm A và các dự án khác có vấn đề nổi cộm (phức tạp) sẽ do Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các Bộ Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thanh tra, kiểm tra; Thanh tra các bộ khác và các cơ quan thanh tra ở địa phương (Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện) tiến hành thanh tra các dự án nhóm B, C thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.
Về lâu dài, cần sửa đổi cơ chế này theo hướng: Các cơ quan thanh tra thành lập theo cấp hành chính chỉ tập trung vào nhiệm vụ giám sát hành chính (giám sát sự tuân thủ pháp luật) đối với các cơ quan hành chính nhà nước thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của thủ trưởng cấp hành chính cùng cấp; thực hiện chức năng thanh tra hành chính hướng vào xem xét việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các cơ quan thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cầp. Khi đó, nhiệm vụ thanh tra dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước nên giao cho các cơ quan thanh tra chuyên ngành. Do chức năng quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng ở nước ta hiện nay chủ yếu liên quan đến ngành Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng; nên nhiệm vụ thanh tra tài chính dự án đầu tư xây dựng cần tập trung cho cơ quan thanh tra thuộc các ngành này thực hiện. Tuy nhiên, để có cơ sở xác định rõ hơn nhiệm vụ, nội dung thanh tra của các cơ quan thanh tra chuyên ngành đối với dự án đầu tư xây dựng, cần thiết phân định rõ hơn thẩm quyền quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng của các bộ, ngành chức năng liên quan (Xây dựng, Tài chính và Kế hoạch và Đầu tư). Thanh tra các ngành này cần bám sát chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ được pháp luật quy định để xác định nội dung thanh tra cho phù hợp, vừa phục vụ thiết thực cho công tác quản lý nhà nước của Bộ, vừa hạn chế được sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động.
- Quy định rõ phạm vi, nội dung thanh tra đối với mỗi dự án đầu tư phải được thể hiện trong quyết định thanh tra và kết luận thanh tra; kết luận phải chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến những sai phạm (không chỉ đề cập đến trách nhiệm của các doanh nghiệp nhà thầu, các ban quản lý dự án mà còn là đánh giá trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan). Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của thanh tra viên, Trưởng đoàn thanh tra, thủ trưởng cơ quan thanh tra khi đưa ra kết luận sai, gây thiệt hại cho đối tượng thanh tra hoặc khi không kết luận được sai phạm gây thiệt hại cho Nhà nước... Những quy định này nhằm bảo đảm cho kết luận thanh tra rõ ràng, đúng pháp luật về những nội dung đã thanh tra; giúp cho các đoàn thanh tra sau có thể kế thừa kết quả của đoàn thanh tra trước, tránh được chồng chéo về nội dung và thời kỳ thanh tra khi tiến hành cuộc thanh tra tiếp theo đối với mỗi dự án.
Ba là, ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động thanh tra kinh tế nói chung và trong thanh tra lĩnh vực quản lý vốn đầu tư xây dựng nói riêng, tạo ra cơ sở pháp lý để thực hiện mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, bảo đảm hoạt động thanh tra thống nhất, có hiệu quả, hiệu lực.

Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra từ khâu nắm bắt đối tượng, xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm đến khâu ra quyết định thanh tra, tập huấn nghiệp vụ, tổ chức thực hiện quyết định thanh tra, xử lý sai phạm sau thanh tra và tổng hợp, đánh giá, kiến nghị tăng cường quản lý nhà nước. Xác định rõ vai trò quản lý nhà nước về hoạt động thanh tra của Thanh tra Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành, điều phối hoạt động thanh tra của các tổ chức thanh tra. Thanh tra Chính phủ thực hiện điều phối nhiệm vụ thanh tra đối với các dự án đầu tư ngay từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm, muốn vậy cần quy định trước khi phê duyệt kế hoạch thanh tra của các Bộ thì cần có ý kiến bằng văn bản của Thanh tra Chính phủ. Để giúp cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động thanh tra có hiệu quả, cần thiết quy định trách nhiệm của các cơ quan thanh tra trong việc thông tin báo cáo về tình hình, kết quả thanh tra chi tiết theo các lĩnh vực (trong đó có lĩnh vực đầu tư xây dựng); có hướng dẫn rõ ràng về nội dung, phạm vi, thời kỳ, thời hạn và phương thức gửi báo cáo về Thanh tra Chính phủ để tổng hợp chung và định kỳ công khai báo cáo tổng hợp trên cổng thông tin điện tử để phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành và hoạt động nghiệp vụ thanh tra.

Bốn là, Thanh tra Chính phủ tiếp tục phát huy vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động thanh tra trên phạm vi cả nước, nhất là công tác chỉ đạo ngay từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm và điều phối trong quá trình tổ chức triển khai kế hoạch thanh tra. Trong thời gian tới, hàng năm Thanh tra Chính phủ nên ban hành một chương trình kế hoạch thanh tra đối với các công trình, dự án trọng điểm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có sử dụng nguồn vốn lớn của Nhà nước; trên cơ sở đó Thanh tra Chính phủ trực tiếp làm Trưởng đoàn một số đoàn thanh tra liên ngành (có sự tham gia của Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành) hoặc chỉ đạo Thanh tra một số Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành làm Trưởng đoàn để triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra; đồng thời cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn và chỉ đạo nghiệp vụ đối với các cơ quan thanh tra./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét